Khi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Tác động của biến đổi khí hậu

Vụ hè thu vừa qua, ở các xã ven phá Tam Giang, như Quảng Ngạn, Quảng An, Quảng Công, Quảng Phước, Quảng Thành tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Nhiều diện tích lúa chết hàng loạt, người dân phải tiến hành gieo sạ lại. Ông Nguyễn Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng An, cho biết: “Vụ hè thu vừa qua, trên địa bàn xã có 42ha lúa bị nhiễm mặn phải tiến hành gieo sạ lần 2, lần 3 thiệt hại về kinh tế là rất lớn. Xã phải tiến hành trích ngân sách 117 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ giống cho bà con. Để giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn, cần xây dựng hệ thống thủy lợi, thoát nước để chủ động thay chua, rửa mặn vào mùa khô”.

 Khi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thu hoạch lúa hè thu tại Quảng Điền

Ông Hoàng Vọng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, cho biết: “Năm 2012, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến 815 ha lúa bị ngập úng, trong đó có 242 ha tiến hành gieo sạ lại, lượng giống phải hủy do không thể tiến hành gieo sạ và ngập úng là 6,5 tấn. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngành nuôi trồng thủy sản, do triều cường lên cao kết hợp với nước sông Ô Lâu đổ về làm ngập các hồ nuôi trồng thủy sản và làm vỡ 10 ha đê, ảnh hưởng trực tiếp đến 21 hộ dân…”.

Quảng Điền có bờ biển trải dài 12km, từ xã Quảng Công đến xã Quảng Ngạn. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, tình trạng xâm thực bờ biển diễn ra khá phức tạp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như sinh hoạt, sản xuất của người dân. Bình quân, mỗi năm biển xâm thực vào đất liền 5m đến 7m. Từ năm 2010 đến nay, tình trạng biển xâm thực ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, nhiều thôn vùng biển, như An Lộc, Tân Thành (xã Quảng Công), Tây Hải, Đông Hải (xã Quảng Ngạn), nước biển xâm lấn tận nhà dân, chính quyền địa phương phải tiến hành di dời các hộ dân sống trong vùng sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. 

Nhiều mô hình thích ứng

Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân, “lúa trổ Thanh Minh thì vinh cả xã, lúa trổ Cốc Vũ no đủ mọi bề”. Song, hiện nay, việc bố trí lúa trổ trong tiết Thanh Minh thì độ an toàn không cao, thường hay bị mưa và rét muộn làm ảnh hưởng đến năng suất. Việc bố trí thời vụ cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng. Thực tiễn trên địa bàn đã chứng minh, thời vụ trổ an toàn trong vụ đông xuân thường nằm trong khung từ 20 đến 25 tháng 4 và vụ hè thu phải gặt trước 30 tháng 8, một số HTX điều hành khâu thời vụ thích ứng với biến đổi khí hậu luôn được mùa và có năng suất cao. Để giải quyết tốt khâu thời vụ đòi hỏi phải có kế hoạch liên hoàn từ khâu làm đất, thủy lợi, thu hoạch, chuyển đổi phương thức gieo sạ.

Thời gian qua, sự thay đổi của thời tiết nhiều diện tích cây trồng nhất là cây lúa bị các bệnh vàng lùn xoắn lá, nhện gié, lem lép hạt, rầy nâu… người nông dân phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phun ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Việc phát triển các loại giống cây trồng có khả năng chống chịu với sâu bệnh và thời tiết là yêu cầu cấp thiết.

Năm 2010, Trường đại học Nông lâm Huế giúp một số hộ nông dân xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền về giống, kỹ thuật phục tráng giống lúa gạo đỏ. Qua khảo nghiệm, giống lúa này vẫn giữ nguyên được các đặc tính, như thân cao và cứng, phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng đất ngập nước nhiễm mặn ven phá. Lúa còn có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hầu như không nhiễm bệnh nên chất lượng gạo tinh khiết được người tiêu dùng ưa thích. Từ thành công ban đầu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Điền tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích. Địa phương đang nhân rộng mô hình sản xuất giống lúa gạo đỏ truyền thống trên diện tích 5ha, tập trung 2 xã Quảng Thái và Quảng Lợi. Trồng lúa gạo đỏ năng suất bằng nửa các giống lúa ngắn ngày nhưng bán giá cao hơn từ hai đến ba lần. Mặt khác, gạo đỏ sản xuất theo quy trình an toàn, chi phí sản xuất rất thấp nên hiệu quả kinh tế cao hơn các giống lúa hiện tại.

Việc tận dụng các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp cũng góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ trước đến nay, nông dân sau khi thu hoạch lúa thường có thói quen đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng làm tăng nguy cơ gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Vì vậy, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm rạ; đồng thời, khuyến khích phát triển những mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp vào sản xuất như mô hình sản xuất nấm rơm ở các xã Quảng Phú, Quảng Thái, Quảng Lợi…

Ngành nuôi trồng thuỷ sản là ngành chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Ông Hoàng Vọng, cho biết: “Để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu đến ngành nuôi trồng thủy sản, huỵên Quảng Điền có nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung chỉ đạo lịch thời vụ phù hợp với từng loại vật nuôi, theo quy luật chung để phòng tránh các loại bệnh nguy hiểm như bệnh đốm trắng đối với tôm sú, bệnh hồng man đối với tôm thẻ chân trắng. Nhân rộng mô hình nuôi tôm sú có sử dụng chế phẩm như EM, Bokashi, Boka D, Micro actor… trên vùng đầm phá. Duy trì và nhân rộng mô hình nuôi xen ghép, cân đối hợp lý số lồng cá trên sông Bồ cũng như phá Tam Giang, đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm nhất là vùng hạ lưu của các xã Quảng Phước, Quảng An và thị trấn Sịa.”

Theo Báo Thừa Thiên Huế