Đó chính là những ngày tháng thật đẹp đẽ của mình khi được trải nghiệm và học tập tại Kyoto – Nhật Bản, cái nôi bắt nguồn của những nét văn hóa độc đáo của đất nước mặt trời mọc.
Trong khuôn khổ của “Environmental Winter School” được tổ chức bởi GSGES (Viện nghiên cứu Môi trường toàn cầu) – Đại học Kyoto, Nhật Bản, mình may mắn có được những trải nghiệm quý báu khi có cơ hội được trải nghiệm và học tập trong môi trường hiện đại và ghé thăm nhiều địa điểm nổi tiếng trên đất nước xinh đẹp này.
Hành trình của mình trên đất nước Nhật Bản kéo dài hai tuần. Và mình tin chắc rằng quãng thời gian ấy chính là một trong những trải nghiệm tốt đẹp trong thời sinh viên của mình. Rời thành phố Huế, Việt Nam đến với một chân trời mới, tiếp xúc với một nền văn hóa khác, ngôn ngữ khác không khỏi khiến mình có chút băn khoăn lo lắng thế nhưng Kyoto “đối đãi” với mình cực kỳ tốt và ấm áp (Dù cho nhiệt độ ngoài trời lúc ấy là 2 độ C). Đến sân bay quốc tế Kansai và được đón về khách sạn được trường chuẩn bị một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn mình tưởng tượng. Mọi lo lắng trong mình dần dần bị đập tan bởi sự thân thiện của những người bạn cùng đoàn và cả những bạn mới quen từ những quốc gia khác.
Không chỉ có mình mà có lẽ với nhiều người khác ấn tượng khi đến với đất nước Nhật bản đầu tiên là sự ngăn nắp, tính thẩm mỹ trong cách sắp xếp bài trí cuộc sống, từ những nội thất, bài trí bên trong cho đến cách sắp đặt bữa ăn hàng ngày. Nó còn được thể hiện rõ nét hơn qua lời nói, cung cách giao tiếp hàng ngày của con người nơi đây.
Mình có cơ hội được thăm thú nhiều địa điểm nổi tiếng tại Kyoto, cố đô mang vẻ cổ kính và nhiều đền chùa, lâu đài… Cũng thông qua những buổi đi thực tế tại những nơi khác như đến Shiga thăm hồ Biwa là hồ lớn nhất Nhật bản với hệ đa dạng sinh học phong phú, gắn liền với một nền văn minh lâu đời, được đến Wakayama để có những bài học về thảm họa không chỉ là đông đất sóng thần mà còn là lũ lụt và cả cách mà con người thích ứng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cách họ khôi phục sinh kế sau hoang tàn đổ nát của thảm họa với tốc độ đáng ngạc nhiên. Cũng có những điểm đến văn hóa khiến mình cũng như nhiều bạn sinh viên khác trong đoàn không khỏi choáng ngợp bởi khung cảnh – con người nơi đây như Kinkakuji – Chùa Vàng là một trong số những di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đền thờ Fusimi Inari, các bảo tàng khoa học hay là hệ thống xử lý nước hoàn toàn tự nhiên có tên là “Kabata”
Không chỉ con người, đất nước Nhật bản mà còn có các bạn sinh viên quốc tế cùng nhà và các bạn sinh viên cùng đoàn đến từ Indonesia, Thái Lan đã cùng nhau tạo nên những kỉ niệm khó quên, những buổi học ý nghĩa hơn suốt hành trình.
Là một sinh viên của trường đại học Nông Lâm đến thăm và học tập tại Nhật Bản là một “cơ duyên” cực kỳ may mắn. Mình vô cùng biết ơn các giáo viên và sinh viên của ĐH Kyoto vì sự tiếp đón nồng nhiệt của các bạn cũng như sự tận tình của các giáo viên. Cũng nhân đây em xin được gửi một lời cảm ơn đến Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường ĐH Nông Lâm đã hỗ trợ em có được cơ hội học tập tuyệt vời này. Cảm ơn Khoa KN&PTNT, trường Đại học Nông Lâm Huế – Đại học Huế đã chắp cánh cho em, là một sinh viên của khoa được có cơ hội tìm hiểu, học tập, có được suy nghĩ thực tế và sâu sắc hơn về môi trường học tập Đại học và cách thức nghiên cứu khoa học của sinh viên ở một đất nước phát triển như Nhật Bản. Một lần nữa, em xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc này và đó cũng là sự cố gắng nỗ lực của bản thân em sau này!
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến đi của mình:
Tăng Ngọc Lam Giang
Lớp Phát triển nông thôn 49B
Khoa Khuyến nông và Phát triển nông thôn
Đai học Nông Lâm Huế
Email: tangngoclamgiang@gmail.com
FB: https://www.facebook.com/gianggiang.ngoclam