Xuất thân là những đứa con từ các vùng quê sương gió miền Trung, là những sinh viên Khoa Khuyến Nông và Phát Triển Nông Thôn, Đại học Nông Lâm Huế, mang trên mình sứ mạng chuyên môn “VỀ VỚI DÂN VỚI BẢN, THÂN THƯƠNG NHƯ NGƯỜI BẠN, ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN”. Từ lúc ngồi trên ghế nhà trường cho đến những chuyến đi thực tế, một thực trạng đã và đang được mọi người đề cập và loay hoay tìm giải pháp. Đó là người nông dân luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trong việc giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập… hay người tiêu dùng luôn luôn hoài nghi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Chính vì lẽ đó, mô hình khởi nghiệp “Xây dựng mạng lưới cung ứng và bán hàng nông sản đặc trưng vùng miền dựa vào sinh viên” với tên gọi Chiến Binh Nông Sản Huaf (CBNS Huaf) được nhóm sinh viên Khoa Khuyến Nông và Phát Triển Nông Thôn hình thành và phát triển từ đầu năm 2019 với mục tiêu: giải quyết đầu ra nông sản cho người nông dân, mang những nông sản đặc trưng vùng miền đảm bảm nguồn gốc, chất lượng đến người tiêu dùng thông qua mạng lưới sinh viên và cựu sinh viên với thông điệp “Mỗi lần về quê là 1 sản phẩm, mỗi sinh viên là 1 Đại sứ”.
Sau chặng đường 1 năm đi vào hoạt động, CBNS Huaf cũng giống như đứa trẻ vừa tròn 1 tuổi, lần đầu tiên tự mình có những bước đi chập chững đầu tiên nên vẫn còn nhiều lo lắng và bước từng bước chậm rãi. Nhìn lại 1 năm qua, thời gian tuy ngắn, nhưng nó cũng đủ để đánh dấu sự thăng trầm trên con đường khởi nghiệp của sinh viên với biết bao chông gai và đôi lúc vở òa trong niềm vui sướng, hạnh phúc với sứ mệnh gắn kết của mình.
Để có được như ngày hôm nay, CBNS Huaf đã phải vượt qua rất nhiều chướng ngại vật trên con đường khởi nghiệp:
Thứ nhất, sinh viên ngoài đam mê, nhiệt huyết và mong muốn làm nhiều việc có ý nghĩa, nhưng còn thiếu rất nhiều thứ như kinh nghiệm và kỹ năng bán hàng, nguồn vốn đầu tư, khả năng quản lý, kiến thức về cạnh tranh thị trường.
Thứ hai, sự cạnh tranh khóc liệt của nhiều cửa hàng nông sản có từ trước, sự canh tranh từ số lượng người bán hàng nông sản online, trong đó đáng chú ý là sự cạnh tranh về giá bán.
Thứ ba, sự nhìn nhận của đối tác có thể hợp tác làm ăn, khi họ chỉ xem đây là mô hình của sinh viên, nhiều đối tác còn không muốn giao dịch vì sợ giảm giá trị sản phẩm của họ.
Thứ tư, niềm tin của khách hàng vào nông sản, làm sao để củng cố niềm tin của họ khi những câu chuyện về thực phẩm bẩn ngày một gia tăng, làm thế nào để chứng mình được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm từ người nông dân.
Thứ năm, sự ổn định về chất lượng, số lượng và giá cả của mặt hàng nông sản, sản xuất nông sản của người dân luôn chịu sự chi phối lớn từ các điều kiện tự nhiên, vậy nên, sự đồng nhất về chất lượng và số lượng sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Chất lượng nông sản tươi có thể thay đổi theo ngày hay thậm chí thay đổi sau 1 cơn mưa, trong khi, yêu cầu của khách hàng luôn khắt khe về mặt chất lượng, số lượng khách hàng sẽ giảm khi không đáp ứng được yêu cầu của họ, mặc dù sản phẩm đó cùng 1 nơi xuất xứ nhưng chất lượng không đồng đều do yếu tố ngoại cảnh.
Cuối cùng là sự cô đơn và suy giảm động lực khởi nghiệp, trong gần 1 năm là chừng ấy thời gian phải gắng gượng duy trì hoạt động kinh doanh trong lo lắng sẽ thua lỗ; niềm tin và động lực suy giảm đáng kể khi càng dấn thân vào kinh doanh, càng mờ mịt về đường đi và thâm hụt về nguồn vốn đầu tư, đôi lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Và còn nhiều hơn nữa những khó khăn thử thách trên con đường khởi nghiệp mà CBNS Huaf đã và đang gặp phải.
Nhưng sau tất cả, những giá trị đạt được còn lớn lao hơn những vất vã đã trải qua. Một năm là cả một quá trình học tập và trải nghiệm, cả một kiến thức bao la về kinh doanh và nông sản, cả một tình yêu quê hương, nông nghiệp, nông dân, một tình thân gắn kết giữa các thế hệ sinh viên mọi miền Tổ quốc. Đây có lẽ là thứ quý giá nhất mà mô hình khởi nghiệp sinh viên đã gặt hái được.
CBNS Huaf chính là tác nhân trung gian trong việc kết nối sản phẩm của người nông dân thông qua mạng lưới sinh viên và cựu sinh viên để mang đến tay người tiêu dùng. Tác nhân trung gian sẽ có nhiều lợi thế hơn trong chuổi giá trị sản phẩm, khi là người chủ động lựa chọn số lượng, chất lượng sản phẩm, vừa chủ động điều tiết được sản phẩm đến với khách hàng có nhu cầu. Nhưng thật sự bắt tay vào làm mới hiểu việc mua bán này khó khăn đến nhường nào. Đó là trong việc tìm kiếm khách hàng, duy trì số lượng khách hàng lặp lại và tăng trưởng số lượng khách hàng mới; trong khi mặt hàng nông sản sẽ giảm giá trị theo thời gian khi công nghệ bảo quản không có/không đảm bảo. Thông qua những hoạt động này, càng thấu hiểu hơn sự khó khăn vất vả của người nông dân khi họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người mua, khả năng thương lượng, đàm phán hầu như không có. Vậy nên, bàn cách làm giàu cùng người nông dân thì dễ, nhưng tự mình làm thì mới thấy được “nói không đi đôi với làm”.
Sự gắn kết và tương trợ của các thế hệ cựu sinh viên, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Huế, là những người đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là những người luôn có khát vọng đẩy mạnh sự phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Họ chính là những người luôn đồng hành, ủng hộ và mong muốn CBNS Huaf sẽ được bay cao, bay xa, sẽ giúp được nhiều người nông dân ở nhiều vùng quê khác nhau tiêu thụ được sản phẩm, cũng như quảng bá những đặc sản quê nhà của họ, nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. Chính vì lẽ đó, mạng lưới sinh viên sẽ luôn là cánh tay nối dài của CBNS Huaf, trong khi sự hỗ trợ, giúp đở của họ hoàn toàn phi lợi nhuận, họ chỉ có một tâm niệm góp phần chắp cánh cho sản phẩm quê nhà ngày một vươn xa.
Mặc dù sự đóng góp chưa đáng kể, nhưng CBNS Huaf cũng đã góp phần tạo ra công ăn việc làm bán thời gian cho những sinh viên có nhu cầu đang theo học ở Trường. Ngoài ra, họ có cơ hội trải nghiệm, học hỏi thêm kiến thức về kinh doanh, cũng như nhiều sinh viên thu được một phần lợi nhuận từ việc kết nối sản phẩm. Qua đó, giúp sinh viên hiểu hơn về nông nghiệp và kinh doanh nông sản, tạo ra một môi trường học tập và rèn luyện các kỹ năng trong thực tiễn. Hơn nữa, CBNS Huaf luôn luôn có mức giá ưu đãi khi bán các mặt hàng cho tất cả các bạn sinh viên, đây chính là sự tương trợ giữa sinh viên với nhau, cùng nhau thấu hiểu và chia sẽ.
Cuối cùng là niềm tin và sự nhiệt thành ủng hộ của quý khách hàng gần xa, sự ủng hộ ban đầu chỉ vì nghĩ đây là mô hình của sinh viên nên cần được khuyến khích, nhưng dần dần CBNS Huaf đã chiếm trọn niềm tin của khách hàng tự sự chân thành, thật thà trong buôn bán, từ sự chấp nhận sai và sửa sai, từ sự lắng nghe và thấu hiểu đã tạo nên một hình ảnh Chiến Binh thực thụ trong lòng người tiêu dùng. Họ không còn là những người khắt khe, luôn có sự nghi ngờ trong từng sản phẩm mà trở thành những người sẵn sàng chi trả cho bất cứ sản phẩm nào của nhóm; họ chuyển từ khách hàng thành những người bạn, người anh/chị hay giống như người thân, luôn tư vấn, chỉ bày tận tình trong mọi thứ; họ chuyển từ khách hàng thành người kết nối, người giới thiệu các khách hàng tiềm năng khác để có được mạng lưới khách hàng rộng khắp cho nhóm như ngày hôm nay.
Một năm là cả một quá trình phấn đấu, có những lúc tưởng chừng như phải dừng lại, nhưng bằng tình yêu nông dân- nông sản vẫn lại tiếp tục, có những lúc là nổi cô đơn trong khởi nghiệp, nhưng lại nhận được sự đồng hành vào những lúc nguy nan nhất, để rồi từ đó nhận ra rằng, khởi nghiệp chính là ngôi trường thứ hai, sau ngôi trường Đại học, cho ta biết giá trị thực sự của nghề và nghiệp. Tuy nó chưa thực sự mang lại giá trị vật chất lớn lao nhưng nó đủ tầm để mang lại giá trị tri thức thực tiễn, tiếp lửa cho sự đam mê NÂNG TẦM GIÁ TRỊ NÔNG SẢN VIỆT.