Israel là tuổi trẻ, là một bầu trời rực rỡ và là nơi thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong tim mình

Dưới đây là bài viết chia sẻ về hành trình hoàn thành thực tập sinh tại Israel và những cảm nhận về đất nước xinh đẹp này của bạn Nguyễn Thị Mỹ Trang

Tuổi trẻ ai cũng khao khát “Đi thật xa để trở về”, khao khát được trải nghiệm, được sống hết mình, được khám phá tri thức mới ở những chân trời mới. Tôi cũng vậy, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có khả năng vươn ra ngoài thế giới, xem họ làm gì, họ sống như thế nào và đất nước của họ có những thứ gì mà nước mình không có. Tôi luôn cho rằng đó sẽ mãi là giấc mơ cho đến khi tôi thật sự bước chân đến Israel. Tuổi trẻ của tôi từ đây trở nên diệu kỳ như chưa bao giờ tôi cảm nhận trước đó. 22 tuổi là lần đầu tiên tôi được bay, được thỏa sức đắm chìm vào những điều mới lạ ở một đất mang tên “Vùng đất Hứa”.
Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến Israel là một ngày đầu tháng 9, cảm giác đầu tiên của tôi lúc bước chân ra khỏi sân bay là một sự nóng bức vô cùng khó chịu. Tôi nhìn thấy một bầu trời xanh ngắt, một màu vàng chói chang của nắng và tất nhiên cả vùng sa mạc rộng lớn mênh mông. Sau 2 tiếng ngồi xe buýt, chúng tôi được đưa đến tập trung ở một trường Cao Đẳng có tên là Hemdat Hadarom thuộc vùng Sedot Negev của miền Bắc Israel. Tại đây, sinh viên được phân làm việc ở vào các farm và các Boss (quản lý) sẽ lái xe đến để đưa họ về nơi ở. Nơi ở của tôi có người Nepal, Thái Lan, Botswana và cả người Sri Lanka nữa, tất cả chúng tôi ở chung trong một căn nhà làm bằng thùng container, tuy hơi nóng và chật chội nhưng rất sạch sẽ và đầy đủ phương tiện sinh hoạt. Tôi được Boss cho nghỉ 2 ngày để sắp xếp và làm quen với mọi thứ. Sau 2 ngày nghỉ, tôi bắt đầu làm việc.
Tôi được làm việc tại công ty đóng gói và xuất khẩu các loại rau củ (súp lơ, bắp cải, củ dền, hành tây,..) và trái cây (các loại cam, quýt, bưởi, dưa lưới). Tôi bắt đầu làm việc vào lúc 7giờ sáng và kết thúc làm việc khi hoàn thành xong đơn hàng của ngày hôm đó. Tất cả mọi người được nghỉ ăn trưa vào lúc 11 giờ, 11.30 tôi tiếp tục với công việc của mình. Nhìn chung, tất cả các loại máy móc xử lý rau quả đều theo một nguyên lý giống nhau. Tất cả các công đoạn máy móc sẽ làm tự động, công việc của tôi là đứng phía dưới làn máy và nhặt những quả hư, nhỏ, không đạt yêu cầu còn sót lại sang một bên rồi đổ những quả chất lượng vào thùng nhựa sau đó đẩy vào dây chuyền. Dây chuyền sẽ đưa các thùng quả đạt yêu cầu ra phía ngoài và sẽ được công nhân nam thay nhau xếp vào ballet (đế gỗ). Với các loại quả có múi xuất khẩu như cam, quýt, bưởi,… thì yêu cầu nghiêm ngặt hơn đòi hỏi tôi phải nhặt kỹ càng hơn và sắp xếp đẹp mắt trong thời gian ngắn hơn. Thường thời gian để hoàn thành một thùng cam/quýt khoảng từ 1-2 phút và không được có bất kỳ quả hư nào. Đối với các loại hoa quả ra thị trường đều có tem chứa mã vạch nhưng đối với hoa quả xuất khẩu thì tem mã vạch lại được thiết kế phức tạp hơn. Một bộ phận nhân viên sẽ tiếp nhận công việc này. Có một số lần Boss giao cho tôi việc đi dán mã vạch, lúc đầu tôi khá thích việc này vì nó rất dễ thực hiện. Sau này tôi mới nhận ra răng quá trình này nhìn tuy có vẻ đơn giản nhưng thật ra nó rất phức tạp. Các mã vạch cho từng loại quýt khác nhau đều có nét tương đồng nên thật sự phải chú ý kỹ mới có thể phân biệt và dán đúng loại được. Nhiều lần tôi thấy vài nhân viên bị Boss mắng vì dán nhầm mã vạch của Ori cho Ora và ngược lại (Ori và Ora là tên 2 loại quýt xuất khẩu có giá trị cao của công ty tôi).

Làm việc cùng nhau thật sự rất thú vị
Các Boss sẽ giám sát tôi làm việc trên camera hàng giờ và một khi họ cảm thấy tôi làm công việc đó chất lượng nhất, thì họ sẽ giao nhiệm vụ cho tôi hoàn thành tất cả đơn hàng rồi mới giao nhiệm vụ khác cho tôi. Các loại rau củ quả sau khi được xử lý và đóng gói sẽ được đưa vào bảo quản trong kho lạnh. Tùy vào đặc tính mỗi loại mà nhiệt độ bảo quản sẽ khác nhau. Ví dụ như cam/quýt thì bảo quản từ 8-10 độ C, chanh từ 22 độ C, hành tây từ 0 độ C… Vì tất cả các máy móc đều tự động nên nếu có sơ suất hoặc sự cố thì máy sẽ tự động dừng hoặc báo lỗi về máy chủ. Boss nhìn biểu hiện của máy mà kịp thời sửa chữa để tránh những tổn thất lớn hơn. Trong thời gian làm việc tại đây, tôi được quan sát cách các chuyên gia sửa máy móc như thế nào, có nhiều trường hợp đơn giản dễ xử lý họ dạy lại cách khắc phục cho tôi và cứ mỗi lần có lỗi như vậy, tôi có thể tự mình sửa được mà không nhờ đến các chuyên gia nữa.
Mỗi tuần tôi có một ngày đi học tại trường, chúng tôi được học rất nhiều điều thú vị qua các bài giảng của thầy cô như: nguyên lý hoạt động của hệ thống tưới nhỏ giọt, dinh dưỡng từ các loại quả có múi, các loại bệnh thường gặp trên cầy trồng, tìm hiểu về loài cá Hồi, đặc tính của các loài ong, đặc biệt là những bài giảng về cách quản lý, điều khiển từ xa sâu bệnh hại,  lượng nước trên cây trồng và từ đó có thể dự đoán hướng canh tác phù hợp cho những năm sau,.. và còn rất nhiều bài học bổ ích khác. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho sinh viên chúng tôi đến các Hội thảo về công nghệ như Agritech tại Tel Avid, tham quan các trang trại cà chua, ớt chuông, dâu tây ở các khu vực lân cận, tham quan triễn lãm công nghệ và trao đổi kinh nghiệm như ngày hội Open Day ở Aicat Arava,…

Chúng tôi là đều là sinh viên lớp Quản lí dự án 48 ĐHNL Huế tham gia chương trình mùa đầu đầu tiên và được gặp nhau vào lễ hội Openday tại Aicat vào tháng 2/2018.
Bên cạnh đó, mỗi sinh viên chúng tôi phải có một bài báo cáo nghiên cứu để kết thúc khóa học. Đề tài của nhóm tôi có tên là “The influence of post-harvest treatment to the shelflife of oranges” (Ảnh hưởng của việc xử lý sau thu hoạch đến vòng đời của quả cam) và may mắn được các Giáo sư ở Trung tâm chứng nhận xuất sắc.

Ba bài báo cáo xuất sắc nhất đến từ 3 nước (bên trái) và chúng tôi được trao chứng chỉ trước khi về nước(bên phải).
Ngoài học tập và làm việc, chúng tôi thường xuyên được trường tổ chức đi tham quan du lịch đến thủ đô Jerusalem – nơi tập trung của ba tôn giáo lớn:  Đạo Do Thái, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo. Tôi có cơ hội được ghé thăm quan nơi mộ của Chúa Jesus và cầu nguyện sám hối ở Bức Tường Than Khóc. Trường còn tổ chức các tour du lịch ở Biển Chết, Biển Đỏ, và các hoạt động ngoài giờ thú vị khác. Tôi còn vinh dự được góp mặt hát Quốc ca của Israel “Al Kol Ele” vào lễ bế giảng năm học.

Tập hát quốc ca và đi du lịch cùng nhau
Tết đối với du học sinh lúc nào cũng vậy, nỗi nhớ người thân và bạn bè luôn luôn hiện hữu. Tết ở Việt Nam là sự đoàn viên, sum họp, là quay quần bên nhau, bên bếp lửa hồng và nồi bánh chưng bánh tét. Đối với chúng tôi, Tết ở Israel vô cùng khác lạ, không có bánh chưng bánh tét, không có mứt gừng hay bất cứ món bánh quê hương nào. Chúng tôi tự tạo ra Tết của riêng mình bằng những món ăn dân dã của Việt Nam, chúng tôi ngồi lại với nhau trò chuyện và nắm tay nhau vượt qua tất cả. Buổi học ngày 30 Tết là ngày chúng tôi được Nhà trường Chúc mừng năm mới một cách bình dị và ấm áp!

Đón Tết Nguyên Đán thật ấm áp
    Anthony Bourdain từng nói rằng: “Nếu bạn đang ở tuổi 22, có sức khỏe, khao khát được học hỏi và trở nên tốt hơn, thì tôi khuyên bạn nên đi, càng xa và càng điên càng tốt. Hãy ngủ trên sàn nhà nếu cần. Hãy tìm hiểu cách người khác sống, ăn uống và nấu nướng. Học từ họ- bất cứ nơi nào bạn đi.” Mỗi người trong chúng ta đều có ước mơ, hoài bão, có lựa chọn riêng nhưng tôi tin rằng, tuổi trẻ của chúng ta sẽ luôn là một khoảng trời sinh động nếu ta dám đi, dám thử thách, dám đương đầu với bất cứ điều gì diễn ra trước mắt mình. Đối với tôi, Israel là tuổi trẻ, là một bầu trời rực rỡ và là nơi thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong tim mình. Cảm ơn Israel, cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này đã giúp tôi khắc ghi hồi ức tươi đẹp của tuổi trẻ!
 
Thông tin liên hệ:
Nguyễn Thị Mỹ Trang
Quản lý dự án 48
Khoa Khuyến nông và PTNT
Đai học Nông lâm Huê
Email: mytrangnguyen2106@gmail.com
Facebook:https://www.facebook.com/rose.lissa.10