Tạo dựng thương hiệu từ món ăn dân dã

(QBĐT) – Với những đặc tính ưu việt đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng hiện nay: ngon-sạch-an toàn, sản phẩm “cơm nếp cháy chà bông Mẹ Thỏ”-một trong các sản phẩm đạt giải tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình năm 2020, đang dần tạo được uy tín, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tác giả của ý tưởng tạo ra sản phẩm “cơm nếp cháy chà bông Mẹ Thỏ” là chị Trần Thị Hồng Thắm (Cựu sinh viên Khuyến nông & Phát triển nông thôn k41), ở tổ dân phố Đình Chùa, phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn.
“Từ ý tưởng tìm món gì để có thể thay thế các món ăn vặt mà con trẻ thích, như: bim bim, snack, lại có thể ăn no thay cơm và vẫn đủ chất, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo sự tiện lợi và hài lòng cho các mẹ…, tôi đã mạnh dạn thực hiện dự án trên cơ sở nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có của địa phương. Dự án cơm nếp cháy chà bông lấy thương hiệu “Mẹ Thỏ” ra đời đã được nhiều khách hàng đón nhận và đạt giải trong cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, tạo công ăn việc làm cho một số lao động, góp phần nhỏ trong sự phát triển kinh tế-xã hội chung tại địa phương.”, chị Trần Thị Hồng Thắm chia sẻ.
Tác giả của sản phẩm “cơm nếp cháy chà bông Mẹ Thỏ” nhận giải ba tại lễ trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình năm 2020.
Tác giả của sản phẩm “cơm nếp cháy chà bông Mẹ Thỏ” nhận giải ba tại lễ trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình năm 2020.
Với tổng chi phí 230 triệu đồng, chị Thắm đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị đồng bộ, hiện đại, nguyên vật liệu có nguồn gốc rõ ràng trên địa bàn để thực hiện món ăn vặt bảo đảm chất lượng: cơm nếp cháy mà không bị cháy, chà bông vị ngon ngọt tự nhiên, ăn vặt mà như ăn chính, đồ chiên như không chiên…
Sản phẩm cơm cháy nếp được làm từ gạo nếp, sấy khô bằng máy sấy điện không phải phụ thuộc vào thời tiết, tránh được tình trạng bụi bẩn, nhiễm khuẩn. Đi kèm với cơm cháy còn có chà bông thịt lợn và nước sốt ớt cũng được chị Thắm tự chọn lựa nguyên liệu và chế biến bảo đảm tiêu chí: nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, không phẩm màu, an toàn vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường… Vì thế, sản phẩm đáp ứng và làm hài lòng nhu cầu khắt khe của khách hàng hiện nay.
Tự tin với sản phẩm do chính mình làm ra, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của khách hàng, cùng với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có và tiềm năng phát triển du lịch hiện nay của tỉnh, Trần Thị Hồng Thắm cho biết, đây là cơ hội để chị mở rộng thị trường phát triển sản phẩm nhằm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng, trong đó khách du lịch sử dụng và làm quà biếu rất tiện lợi. Với việc bảo đảm các yếu tố về chất lượng, mức giá của sản phẩm, thời gian vừa qua, sản phẩm “cơm nếp cháy chà bông Mẹ Thỏ” luôn được nhiều khách hàng tin tưởng, yên tâm về giá cả.
Mặc dù mới đưa ra thị trường trong một thời gian ngắn, sản phẩm cơm nếp cháy chà bông thương hiệu “Mẹ Thỏ” đã bán được một số lượng đáng kể. Chị Thắm cho biết, mỗi năm doanh thu từ sản phẩm 1,2 tỷ đồng; trừ các chi phí, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Quảng Bình năm 2020, sản phẩm “cơm nếp cháy chà bông Mẹ Thỏ” còn đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp của địa phương, là đầu mối thu mua và giải quyết vấn đề đầu ra nông sản cho nhiều bà con nông dân, đồng nghĩa với việc giải quyết việc làm gián tiếp cho nhiều lao động trên địa bàn.
Điều trăn trở của chị Thắm là sản phẩm cơm nếp cháy chà bông tuy dễ bảo quản vì khô và không sử dụng một hóa chất nào, nhưng lại có hạn sử dụng không nhiều như những sản phẩm thông thường khác, chỉ trong vòng 60 ngày sau khi ra lò. Vì vậy, khách hàng phải sử dụng sớm, nên thường mua ít. Khó khăn nữa là sản phẩm chưa đăng ký được thương hiệu cũng như mẫu mã, logo chưa hoàn chỉnh, khó vươn xa ra các thị trường lớn, như: hệ thống các siêu thị, điểm bán hàng lớn…
Trong khi đó có quá nhiều sản phẩm cùng chủng loại, giá thành có thể rẻ hơn song chất lượng thấp đang tồn tại trên thị trường dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi chọn lựa sản phẩm. Thêm vào đó, hiện cơ sở sản xuất “cơm nếp cháy chà bông Mẹ Thỏ” có nguồn vốn eo hẹp, bản thân tác giả của ý tưởng khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý kinh doanh… nên có nhiều phần hạn chế trong quảng bá sản phẩm.
“Mong muốn lớn nhất hiện nay là được các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện hỗ trợ để tôi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất, đáp ứng sự lựa chọn, tin tưởng và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của khách hàng. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và đặc biệt là thúc đẩy các dự án khởi nghiệp phát triển.”, chị Trần Thị Hồng Thắm trao đổi thêm.