Ngành mới tuyển sinh 2020: Kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn – công nghệ phục vụ cả đào tạo và doanh nghiệp

Năm 2020, Đại học Huế mở và tuyển sinh ngành Kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn. Đây là sự phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo sự đột phá trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập, đặc biệt khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố then chốt đưa đến sự phát triển kinh tế đột phá của các quốc gia.

Phù hợp về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của địa phương, vùng, quốc gia

Nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo trên thế giới đã tiến hành xây dựng các chương trình đào tạo bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh về khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp nông thôn nói riêng. Các trường đại học có uy tín trên thế giới như ở Đại Học Colorado (Mỹ), Đại Học Adelaide (Úc), Đại Học RMIT (Úc), Đại học quốc gia Ireland (Vương Quốc Anh), Viện Công Nghệ ALBERTA (Canada), đại học Amity (Ấn Độ ) đã và đang đào tạo ngành ‘Kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn”. Hầu hết mục tiêu của các chương trình đào tạo này hướng đến việc đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ về khởi sự kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh, quản trị các hoạt động khởi nghiệp.

Tại Việt Nam, khởi nghiệp hiện đang trở thành tầm nhìn, yêu cầu cho nhiều địa phương, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực, với mục đích tạo ra nhiều doanh nghiệp, nhiều việc làm cho xã hội, đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Sự ra đời Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” và Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên trong cả nước. Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp khởi nghiệp không mặn mà với nông nghiệp, tuy nhiên với sự xuất hiện của nông nghiệp 4.0, thế giới khởi nghiệp đã thay đổi. Công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội đa dạng cho người dân và doanh nghiệp và nhà khởi nghiệp.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang diễn ra như thế nào?

Khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0 bao gồm: Các lĩnh vực dịch vụ web, thông tin truyền thông, công nghệ di động…. Đổi mới sáng tạo trong  lĩnh vực này mạnh mẽ và nhiều tiềm năng không thua kém trong lĩnh vực giao thông và y tế. Con số doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp tầm cỡ thế giới thay đổi từ 2010 (20 doanh nghiệp) đến 2015 (503 doanh nghiệp) chứng minh rằng thị trường kinh doanh và thị trường lao động sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc do nông nghiệp 4.0 mang lại.

Nông nghiệp 4.0 đang mang lại một thông điệp rõ ràng là trong tương lai gần nhu cầu về lao động nông nghiệp thô sơ, lao động phổ thông sẽ sụt giảm. Đây là thách thức vô cùng to lớn cho các nước đang phát triển nhưng lại mở ra cơ hội rất lớn cho các nước năng động và mạnh mẽ đổi mới sáng tạo trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp.

Trong hai năm, năm 2016 – 2017, khởi nghiệp đã lan tỏa cả nước:

  • Thành lập Quỹ: Quỹ đầu tư của Nhà nước như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) hỗ trợ, tài trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp; Quỹ đầu tư tư nhân ngoài nước như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… Quỹ tư tư nhân trong nước như Quỹ FPT Venture…
  • Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, tạo Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo, hỗ trợ để nâng cấp các sản phẩm, hỗ trợ truyền đạt bí quyết kinh doanh, tư vấn nhằm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.
  • Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST…
  • Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp Kickstart, bắt đầu từ năm 2017, mỗi đợt kéo dài trong 3tháng, dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp  Việt  Nam  trong  giai  đoạn  phát  triển  sản  phẩm. Chương trình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm ĐMST hoàn thiện năng lực cạnh tranh và tăng tốc phát triển…
  • Tổ chức các ngày hội khởi nghiệp quốc gia hàng năm (Techfest), là sự kiện quốc gia có quy mô quốc tế, là nơi quy tụ cộng đồng khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài nước, qua đó quảng bá hình ảnh của khởi nghiệp ĐMST Việt Nam. Đặc biệt, đây còn là nơi để các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa đã có những thành công nhất định trên thị trường có thể tìm thấy những giải pháp sáng tạo từ các start-up.

Từ thực tiễn trên cho thấy rằng, vấn đề kinh doanh và khởi nghiệp nói chung, cũng như ngành đào tạo liên quan đến kinh doanh và khởi nghiệp nói riêng đang được các ban, ngành quan tâm nhằm tạo động lực phát triển khoa học, kỹ thuật, và kinh tế. Trong đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực “nông nghiêp nông thôn” đang là mảnh đất màu mỡ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đang là xu hướng mới thu hút các cá nhân trên thế giới cũng như Việt Nam đổ về các vùng quê vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, truyền cảm hứng cho nhiều người lập nghiệp.

Kinh doanh – Khởi nghiệp nông thôn – không chỉ dừng lại ở đào tạo truyền thống

Theo đó, tinh thần khởi nghiệp phải được thấm sâu trong hệ thống ngành nghề đào tạo mới; các sản phẩm khoa học công nghệ phải có địa chỉ người dùng cùng với việc đổi mới trong cách quản trị; hình thành hệ sinh thái: Nhà trường – Doanh nghiệp – Cộng đồng xã hội – Nhà nước. Từ đây đã hình thành xu hướng: chuyển đổi mô hình trường đại học hiện tại theo hướng Trường đại học đổi mới khởi nghiệp; chuyển đổi mô hình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ đào tạo hiện tại theo hướng trở thành Trung tâm tích tụ và sẵn sàng công nghệ phục vụ cả đào tạo và doanh nghiệp.

Đại học Huế đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo về kinh doanh và khởi nghiệp, đồng thời kết hợp với đào tạo giảng viên nguồn cho đào tạo khởi nghiệp, phát triển mạnh Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế. Ngành Kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn là một ngành đào tạo trình độ đại học, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020, cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng thực tế và lý thuyết chung về khởi nghiệp hay khởi sự doanh nghiệp; Doanh nghiệp và doanh nhân; Chọn nghề lập nghiệp; Đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp; Kiến thức cơ bản về pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp; Kiến thức về công nghệ thông tin liên quan đến CMCN 4.0 gắn với khởi nghiệp; Kiến thức cơ bản về khởi sự kinh doanh: Nhận thức kinh doanh và ý tưởng kinh doanh; Kiến thức và kỹ năng cần thiết để thành lập doanh nghiệp; Lập kế hoạch kinh doanh; Những vấn đề về thị trường và  marketing trong khởi sự doanh nghiệp; Tổ chức sản xuất và vận hành doanh nghiệp; Quản trị tài chính trong khởi sự doanh nghiệp: Hệ sinh thái khởi nghiệp và Hệ sinh thái kinh doanh. Sinh viên ra trường đáp ứng chuẩn đầu ra của người tốt nghiệp đại học (bậc trình độ 6) theo Khung Trình độ Quốc gia Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg, ngày 18/10/2016.

Trước đó, từ năm 2015, Khoa Khuyến nông và Phát triển Nông thôn thuộc Trường ĐH Nông Lâm, Đại Học Huế đã đưa một số môn học liên quan đến kinh doanh và khởi nghiệp như: Kinh doanh nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, Marketing nông nghiệp, Quản trị nông trại, Khởi nghiệp nông thôn, Kỹ năng bán hàng…

Ngành Kinh doanh và Khởi nghiệp Nông thôn là ngành đặc thù. Đối với khu vực nông nghiệp nông thôn, vấn đề khởi nghiệp và nguồn lao động có trình độ về khởi nghiệp ngày càng được quan tâm. Nhiều địa phương đã thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động về khởi nghiệp nông thôn. Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy định về thành lập và vận hành hệ thống trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các cơ chế chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi về tài chính tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; dành các khoản vay ưu đãi, xây dựng các quỹ đầu tư cho dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp; kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp có tính khả thi cao. Gắn kết nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp để đảm bảo tính khả thi, tính thương mại hoá trong nghiên cứu. Những nghiên cứu có tính thực tiễn có thể được đấu giá để chuyển giao quyền sở hữu hoặc hỗ trợ, kêu gọi đầu tư để tiếp tục phát triển kết quả nghiên cứu thành dự án kinh doanh, thương mại hoá sản phẩm; Gắn kết khởi nghiệp nông nghiệp với các chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới …; Tổ chức đưa sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng và sinh viên các trường đại học, cao đẳng đi làm việc, thực hành, thực tập ở các nước phát triển; đưa cán bộ HTX và thành viên HTX đi tập huấn, đào tạo, lao động, làm việc ở nước ngoài.