Tôi là sinh viên PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN.

 

Nhiều bạn vẫn cứ hỏi tôi: "Ngành Phát triển Nông thôn (PTNT) sau này ra trường làm gì? Và học những gì". Tôi chỉ có thể nói với bạn những điều tôi biết về ngành này thông qua sự giới thiệu của thầy Nguyễn Thanh Triều trong buổi sinh hoạt đầu khoá. Thầy nói rằng "Đây là một ngành mới, được ra đời từ thực tế của tình hình nước ta, chương trình khung của ngành được nghiên cứu rất kỹ và cập nhật thường xuyên, được sự cố vấn của chuyên gia nước ngoài và quan trọng hơn cả là xuất phát từ thực tế tại các địa phương". Lúc đấy tôi vẫn còn bỡ ngỡ nhiều lắm không biết mình học những gì và kiến thức mình lĩnh hội được có đáp ứng được đòi hỏi của thực tế hay không.

 

Khi vào học năm thứ nhất, nhiều bạn trong lớp vẫn còn nhiều tham vọng muốn thi lại học ngành khác vì cho rằng đây là ngành mới rất khó có khả năng xin việc làm tốt. Chính vì thế trong năm học đầu số lượt thi lại của ngành PTNT gần như nhiều nhất khoa khoảng 100 lượt. Thế nhưng trong những năm tiếp theo số lượt thi lại giảm dần và số sinh viên nhận được học bổng ngày càng tăng, chiếm khoảng một nửa sĩ số của lớp. Khi tôi viết bài này tôi có thể khẳng định rằng sinh viên PTNT có khả năng tự học rất cao.

 

Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau về ngành Phát triển Nông thôn. Có ý kiến cho rằng ngành PTNT là một ngành mang tính chất xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nông thôn, nhằm cung cấp cán bộ kỹ thuật cho nông thôn, đáp ứng nhu cầu bức xúc ở các địa phương nhằm vực dậy một tiềm năng lớn của nông thôn nước ta. Bởi lẽ gần 80% dân số của nước ta sống ở vùng nông thôn. Hiểu là thế, biết là vậy, tuy nhiên để các làm được là cả một vấn đề khó khăn, đòi hỏi chúng ta chẳng những có chuyên môn sâu mà còn có cả một trái tim vì sự phát triển giàu đẹp của quê hương.

 

Ngành PTNT được trang bị những kiến thức gì?

Ừ, cũng giống như các ngành khác, ngành này cũng học những kiến thức cơ bản đại cương, phần này tôi khỏi phải nói. Nhưng ngoài ra ngành PTNT còn cung cấp cho rất nhiều kiến thức bổ ích khác nữa cụ thể như:

 

– Kiến Thức về Xã Hội: Về sự phân hoá giàu nghèo ở nông thôn và các biện pháp nhằm xoá đói, giảm nghèo, những dự án của các tổ chức Phi Chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề này. Các nền văn hoá cũng như các tập tục của nhiều dân tộc khác nhau sinh sống ở nông thôn để khi về nông thôn các bạn không còn bở ngỡ trước những phong tục của các dân tộc. Xã hội học nông thôn, Phương pháp điều tra đánh giá nhu cầu của người dân ở nông thôn, quy hoạch môi trường phát triển bền vững. Thiết kế những dự án cũng như đánh giá những dự án phát triển nông thôn. Công tác dân số ở nông thôn và việc chăm sóc sức khỏe của người dân như thế nào. Cơ sở hạ tầng và phát triển các làng nghề truyền thống ở nông thôn nhằm vực dậy một tiềm năng của nông thôn trong việc giải quyết việc làm cho người dân.

 

– Kiến thức về Kỹ thuật Nông nghiệp: Các khối kiến thức cần thiết như Công nghệ Thực phẩm nhằm giúp người dân đánh giá được tổn thất sau thu hoạch vì hiện nay vấn đề bức xúc là chất lượng các sản phẩm nông nghiệp nước ta còn thấp mà quan trọng hơn cả là khâu Công nghệ sau thu hoạch Bảo quản và Tồn trữ Nông sản – thực phẩm.

 

Vậy bạn biết gì về trồng trọt, chăn nuôi cũng như thủy sản không? Biết chứ, chúng tôi được học kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm, phương pháp điều trị bệnh,…Còn biết về kỹ thuật trồng lúa, cây dài ngày, cây ngắn ngày, lâm nghiệp cũng như các vấn đề phát triển kinh tế du lịch sinh thái. Biết được kỹ thuật nuôi thủy sản cũng như phương pháp phòng trị bệnh cho thủy sản. Kỹ thuật nuôi cá thâm canh cao. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên địa bàn Tỉnh ta. Vì người dân An Giang chẳng những tự hào về sản lượng lương thực dẫn đầu cả nước mà còn về sản lượng thủy sản nuôi nuôi trồng rất cao.Thủy sản chúng ta tập trung chủ yếu ở các hình thức nuôi như: bè, ao và thậm chí là đăng quầng trong mùa lũ để nuôi tôm càng xanh như ở Phú Tân, Châu Phú, Thoại Sơn…Chính vì thế công tác phát triển thủy sản cũng được quan tâm. Hiểu được thời tiết các mùa trong năm, diễn biến lũ qua môn Khí tượng Thủy văn Nông nghiệp. Kỹ năng khuyến nông, tuyên truyền những tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp cho bà con nông dân cũng như những biện pháp thâm canh tăng năng suất, bảo vệ môi trường, quản lý dịch hại tổng hợp IPM

 

– Kiến thức về Kinh tế và Quản lý: Ngoài kiến thức về kinh tế học vĩ mô và vi mô, chúng tôi còn được hướng dẫn về Kinh tế nông nghiệp, Kinh doanh nông sản, Kinh tế hợp tác xã, Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tài chính, kế toán cơ bản. Khi nắm được các quy luật kinh tế chúng ta mới có khả năng vận dụng vào cuộc sống và đặt biệt hơn cả là chính sách phát triển nông thôn. Ngoài ra còn được rèn luyện những kỹ năng nói chuyện trước đám đông, kỹ năng trình bày trước hội thảo, hội nghị, kỹ năng phân tích đánh giá số liệu thống kê xã hội, kỹ năng thiết kế Case Study trong nghiên cứu phát triển nông thôn, kỹ năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phỏng vấn nông hộ, đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân PRA, SWOT….

 

Vậy làm sao để có thể nắm bắt nhiều khối lượng kiến thức như vậy?

Đây câu hỏi này được nhắc đến nhiều, vì cũng như các ngành khác biên chế khóa học chỉ có 4 năm mà phải nắm được nhiều kiến thức như vậy là một điều khó. Chính vì thế ở hầu hết các môn chúng tôi được cung cấp những kiến thức cơ bản và chia lớp làm nhiều nhóm với các mảng đề tài nhỏ khác nhau, mỗi nhóm sẽ tự nghiên cứu tài liệu trên sách báo, thư viện, Internet, hay hơn cả là hỏi các giáo viên chuyên về lĩnh vực đó. Sau khoảng thời gian nghiên cứu đó các bạn viết thành một bài báo cáo, và trình bày trước lớp về vấn đề mà mình nghiên cứu. Trong một khoảng thời gian ngắn, một mình bạn khó có thể lĩnh hội được nhiều thứ, nhưng nhiều người làm và báo cáo bạn có thể học hỏi được nhiều và những thắc mắc gì bạn có thể hỏi nhóm nghiên cứu và giáo viên là người đúc kết lại và "trọng tài" cho những cuộc tranh luận về môn học. Đây được coi là phương pháp dạy mới mà người học làm trọng tâm được rất nhiều giáo viên giảng dạy cho ngành PTNT áp dụng và đạt kết quả rất cao. Bằng phương pháp học này bạn có thể học được nhiều thứ từ bạn của mình. Điều này cũng có thể lý giải được tại sao sinh viên ngành PTNT thường xuyên "đóng quân" ở thư viện điện tử. Trong thời đại hiện nay, khả năng tự học, tự nghiên cứu luôn được đặt lên hàng đầu ở các trường, chúng ta dần dần xoá bỏ đi phương pháp học vẹt mà chúng ta chỉ có những kiến thức gói gọn trong bài học. Có thể nói ngành PTNT là một trong những ngành áp dụng phương pháp học theo tình huống, học trên lớp học ảo….

 

Kiến thức của nhân loại mỗi ngày phát triển theo cấp số nhân mà nếu chúng ta không có phương pháp tự học thì người bị lạc hậu chính là chúng ta. Tôi nhớ rất rõ thầy Nguyễn Vũ Duy dạy chúng tôi môn Quản trị Kinh doanh Nông nghiệp, mở đầu bài học bằng trò chơi "Con đường đi của trái chuối", thầy cho chúng tôi tự liệt kê con đường đi của quả chuối từ khi người nông dân trồng, thu hoạch và vận chuyển đi đến tay người tiêu dùng, và đồng thời bạn có thể ước đoán được chi phí từng công đoạn. Chúng tôi hăng hái tham gia và sau cùng thầy cho chúng tôi những con số chính xác, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy được chi phí Marketing rất lớn và lợi nhuận thu được của người nông dân là rất nhỏ. Từ đó thầy cho chúng tôi thấy được vai trò rất quan trọng của kinh doanh trong nông nghiệp, chúng ta làm thế nào để có thể nâng cao được lợi nhuận của người nông dân.

 

Chuyện lên lớp trong giờ học là chuyện bình thường của sinh viên, nhưng có cái hay là ở chỗ bạn có thể được trao đổi với giáo viên thông qua lớp học ảo ở mọi lúc mọi nơi miễn là chỗ đó có Internet.Những vấn đề mà bạn cần nghiên cứu, bạn có thể chia sẻ với những người khác thông qua diễn đàn của lớp học. Bạn thắc mắc điều gì trong bài giảng bạn có thể gởi email cho giáo viên. Nguồn thông tin ngày càng nhiều, học hỏi từ bạn bè là một trong những cách tiếp cận hay. Nhưng lưu ý rằng để đạt được kết quả tốt đòi hỏi bạn phải vượt qua chính mình nghĩa là bạn phải tập trung làm việc cao độ với tinh thần trách nhiệm cao, bạn mới có được kết quả tốt.

 

Thế thì kinh nghiệm tự học của sinh viên phát triển nông thôn là gì? Có thể chia sẻ được không?

Được quá đi chứ! Nhưng một lần nữa tôi muốn nhắc lại với các bạn rằng: ngành này học rất nhiều thứ nhưng tất cả là những kiến thức cơ bản và nền tảng để bạn có thể tự đào sâu nghiên cứu khi bạn cần. Chính vì thế, ngay khi học từng môn học chúng tôi đều dành thời gian rất nhiều để đọc sách và tìm kiếm thông tin trên Internet. Chà nói như vậy chắc các bạn nghĩ "liệu có nhiều thời gian để làm điều đó không", nếu bạn nghĩ như vậy là bạn chưa biết cách đọc sách, nhưng thành thật mà nói, lúc đầu tôi cũng nghĩ như thế và tôi luôn mất nhiều thời gian để đọc một cuốn sách. Thế là tôi đi hỏi giáo viên và được các thầy chỉ cách đọc. Trong khuôn khổ bài viết tôi chỉ có thể nói một vài kỹ thuật: Như trước khi đọc sách chúng ta phải xác định được chúng ta cần thông tin gì và sau đó cố gắng xem hết mục lục của một cuốn sách vì bạn có thể chỉ cần một vài nội dung trong cuốn sách ấy thôi. Bạn phải tập đọc nhanh và nắm ý chính. Internet cũng thế, để sử dụng tốt công cụ hữu ích này bạn phải xác định xem mình cần tìm thông tin gì, nếu không bạn dễ dàng quên đi mục tiêu vào Internet để làm gì và điều quan trọng hơn cả là bạn phải trao chuốt từ khóa cho tốt để khỏi phải tìm những thông tin "rác". Bạn phải biết quản lý thời gian của mình để phân chia công việc cho hợp lý. Những kỹ năng làm việc nhóm, như bạn phân công các thành viên làm việc như thế nào, thảo luận nhóm ra sao…

 

Ngành PTNT là ngành tiếp xúc nhiều với thực tế

Kinh nghiệm thực tế có vai trò rất quan trọng trong quá trình đào tạo, nó chẳng những giúp chúng tôi tiếp cận được thực tiễn mà còn rèn luyện kỹ năng cho mình. Chính vì thế có rất nhiều môn chúng tôi phải thực tế như môn Quản lý Môi trường Tài nguyên Thiên nhiên. Thầy Nguyễn Trần Nhẫn Tánh đã hướng dẫn chúng tôi đi lắp những hố ủ Biogas, xây cầu tiêu tự hoại cho người dân, phải đi quan sát, phỏng vấn để đánh giá tác động môi trường cũng như hoạch định môi trường cho một vùng nào đó. Rồi đi thực tế những về hệ thống canh tác vùng đất dốc, hệ thống rừng trên núi cao kỹ thuật trồng cây trong nhà lưới tại Đà Lạt, quan sát kỹ thuật trồng cây dài ngày như cây "Quýt Hồng" tại Lai Vung, nhãn tại Châu Thành tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra có những môn học chúng tôi phải chia làm nhiều nhóm đi đến các địa bàn thực tế nắm bắt tình hình như môn Lâm Nghiệp do thầy Nguyễn Văn Minhphụ trách có những nhóm đi tận Hòn Chông để quan sát rừng đước ngập mặn, có nhóm lên tận Núi Cấm để quan sát cây "dó bầu" hay còn gọi là "cây tóc" và kỹ thuật tạo trầm trên loại cây này. Thậm chí có những anh chị sinh viên khoá trước còn tham gia chích Vacxin phòng cúm gia cầm cùng với các cán bộ thú y. Khi có những đợt dịch như: bệnh đạo ôn, rầy nâu và mới đây là bệnh vàng lùn và lùn xoắn là chúng tôi đều đi thực tế và hỗ trợ kỹ thuật cho gia đình cũng như bà con xung quanh.

Mỗi lần đi thực tế chúng tôi đều có cảm giác như mình trưởng thành hơn, hiểu biết được nhiều hơn. Chúng tôi sợ lắm, sợ nhất là những chuyện mình chỉ biết trên lý thuyết mà không va chạm thực tế thì khi nông dân hỏi thì biết đâu mà trả lời như chuyện "cây lúa có mấy lóng" vậy đó.

 

Ngành mình ra trường làm việc ở đâu?

Chúng tôi luôn hỏi nhau như thế, làm sao mà không lo cho được khi học 4 năm trời mà chẳng biết mình có việc làm hay không và có làm thì làm ở lĩnh vực nào. Bởi vì nếu xem lại chúng ta học nhiều lắm, vậy cái nào là chuyên môn chính của chúng ta. Có người nói vui ngành này học như Gia Cát Lượng Khổng Minh "trên thông thiên văn dưới tinh địa lý". Theo mục tiêu đào tạo thì khi ra trường các bạn có thể quản lý các mô hình sản xuất cũng như là người cố vấn cho Chính Quyền địa phương xây dựng quy hoạch phát triển trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn. Chính vì thế UBND Tỉnh An Giang cũng đã có Quyết định miễn học phí cho các bạn sinh viên ký hợp đồng với Hợp Tác Xã để về đó công tác khi ra trường.

Tính đến thời điểm hiện nay, ngành PTNT ra trường đã hai đợt, hầu hết các bạn đều có việc làm ở các cơ quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Hợp Tác Xã, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Mỹ Xuyên, Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, Công ty Syngenta, UBND các huyện, Tỉnh đoàn An Giang, Đoàn ủy Liên Cơ…..Căn cứ vào kết quả đó chúng ta thấy rằng khả năng thích nghi với công việc của ngành rất cao, khả năng tiếp thu kiến thức mới của ngành rất tốt. Đặc biệt hơn cả là được cống hiến sức trẻ của mình cho sự giàu đẹp của quê hương nhằm xây dựng quê hương An Giang giàu đẹp. Ngang tầm với một tỉnh có tiềm năng thế mạnh phát triển nông nghiệp và dịch vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Căn cứ vào kết quả trên chúng ta nhận thấy rằng sinh viên ngành PTNT ra trường làm việc được ở rất nhiều nới từ Ngân hàng đến HTX, điều đó cũng khẳng định rằng ngành PTNT có khả năng thích ứng rất rộng đối với nhiều ngành nghề điều đó cũng lý giải được vai trò tự học rất lớn của sinh viên của ngành. Một số bạn khi đi làm được phân công công việc chuyên sâu về lĩnh vực nào đó mà không được học chi tiết trong trường đều tìm thêm sách, tài liệu, trên mạng về lĩnh vực đó mà tham khảo, và có bạn cũng tìm gặp giáo viên chuyên ngành đã giảng dạy mình môn ấy để được hướng dẫn cụ thể. Các bạn yên tâm rằng đằng sau các bạn đã có các Thầy Cô luôn dõi theo bước đường của bạn và sẳn sàng giúp đỡ các bạn.

 

Trịnh Phước Nguyên. Đại học An Giang