Giới thiệu ngành Phát triển nông thôn

1. Ngành Phát triển nông thôn – đặc điểm và tính chất của ngành học

Phát triển nông thôn (Rural Development) bao gồm tổ hợp những nội dung hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, văn hóa liên quan đến con người và các cộng đồng sống ở nông thôn theo các tiêu chí của quá trình phát triển bền vững. Mục đích của phát triển nông thôn là tạo sự phát triển của vùng, lãnh thổ về nhiều mặt, đồng thời làm hạn chế phân hóa giàu nghèo, nâng cao đời sống của cư dân. Việc phát triển nông thôn cũng nhằm khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, bền vững cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các vùng, địa phương và cơ sở kinh tế trong và ngoài nước.

Chương trình đào tạo ngành Phát triển nông thôn sẽ cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về xã hội học và phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn, phát triển cộng đồng, quản lý và phát triển nông thôn. Đồng thời, người học cũng được trang bị kỹ năng lập chiến lược và kế hoạch phát triển, kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án phát triển nông thôn, tư vấn các vấn đề phát triển trong nông thôn. Bên cạnh đó, người học cũng sẽ được trang bị kiến thức cơ bản thuộc các ngành kỹ thuật nông nghiệp, có kỹ năng tốt trong phổ biến và đào tạo nguồn lực địa phương và cộng đồng; có năng lực chuyên môn về lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn và kết hợp mục tiêu chiến lược của quốc gia về phát triển kinh tế.

2. Ngành phát triển nông thôn – Hình thức và tổ hợp tuyển sinh

Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (điểm thi tốt nghiệp THPT): tổ hợp A07, B03, C00, C04, với phương thức xét kết quả thi THPT Quốc gia trúng tuyển vào ngành trong khoảng 15 – 17 điểm.

Xét học bạ THPT:  (1) Điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm trung bình chung mỗi môn học (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) của 02 học kỳ năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12; (2) Điều kiện xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển (chưa nhân hệ số) phải bằng hoặc lớn hơn18,0 .

3. Ngành Phát triển nông thôn – Kiến thức và kỹ năng được đào tạo

Chương trình đào tạo ngành Phát triển nông thôn cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về xã hội học, quản lý và phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn, phát triển cộng đồng. Người học có khả năng vận dụng các kiến thức, công cụ phân tích nhằm đánh giá hiện trạng và đưa ra các quyết định phát triển kinh tế – xã hội nông thôn.

Chương trình đào tạo ngành Phát triển nông thôn hướng đến phát triển năng lực và kỹ năng về quản lý, phát triển nông thôn: kỹ năng làm việc với cộng đồng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập chiến lược và kế hoạch phát triển, kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát và đánh giá các chương trình, dự án phát triển nông thôn, tư vấn các vấn đề phát triển trong nông thôn.

4. Ngành Phát triển nông thôn – Cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp

Đặc điểm của ngành học là “Đào tạo liên ngành kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội học phát triển” nên cơ hội việc làm của người học rất đa dạng:

– Cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan quản lí nhà nước về khuyến nông và phát triển nông thôn, đặc biệt là trong các cơ quan thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ cấp trung ương đến cơ sở,…

Nghiên cứu viên, giảng viên về lĩnh vực phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn,…

– Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong những tổ chức kinh tế xã hội trong nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng hay nhân viên trong các tổ chức phi chính phủ về nông nghiệp, nông thôn,…

– Làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến phát triển nông thôn, phát triển bền vững và hành chính công.

–  Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

– Cơ hội để học lên Cao học và Nghiên cứu sinh đúng chuyên ngành và các chuyên ngành gần như Kinh tế nông nghiệp, Quản lý kinh tế, Quản lý phát triển nông thôn,…

– Học thực tập sinh ở nước ngoài (Nhật Bản, Israel, Đan Mạch, Thủy Điển, Úc,…) trong thời gian học tập và sau khi tốt nghiệp.

5. Ngành Phát triển nông thôn – Những tố chất phù hợp với ngành học

Người học ngành Phát triển nông thôn không đòi hỏi nhiều tố chất, chỉ cần có đức tính cần cù, chịu khó đam mê học tập đều đạt đến thành công. Một số tố chất sẽ giúp người học phát triển tốt:

(1) Năng động và có khả năng chịu áp lực công việc;

(2) Có khả năng tư duy và quản lý tốt;

(3) Có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên; xã hội hoặc ngoại ngữ;

(4) Có tư duy chiến lược;

(5) Khả năng giao tiếp và truyền đạt tốt.