Đây là ý kiến của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trong Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 5/4.
Cần thay đổi tư duy
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, biến đổi khí hậu là vấn đề của toàn cầu, là một thách thức đối với nhân loại trong thế kỉ 21 này. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, bình quân hàng năm, thiệt hại về người và tài sản (từ 2001 tới 2010) là khá lớn. Trong 10 năm qua khoảng 9500 người chết và mất tích do biến đổi khí hậu; GDP hàng năm thiệt hại khoảng 1,5%…
Theo một kịch bản về biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ này tức là năm 2100, nhiệt độ trung bình của nước ta sẽ tăng 2-3 độ C, mực nước biển có thể dâng cao tối đa khoảng 1m. Nếu tình huống này xảy ra, thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập đến 39% diện tích, TPHCM sẽ ngập khoảng 20% diện tích. Trong khi đó, các tỉnh đồng bằng sông Hồng có biển ngập khoảng 10% còn các tỉnh miền Trung là 3%. Khoảng 10% dân số Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Do vậy để ứng phó với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, từ nay đến năm 2020 chúng ta phải tập trung vào vấn đề thích ứng là chính chứ không phải sử dụng các biện pháp cưỡng bức. Ví dụ như chương trình xây đê bao quốc gia (cưỡng bức) của Hà Lan từng được đánh giá rất thành công, nhưng đến nay chính người Hà Lan cũng cho rằng phải xem lại.
Hiện tại, phải thay đổi tư duy, phải xác định tập trung vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. “Khi có điều kiện hơn, có nguồn lực hơn thì sẽ có những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng nói.
Và cần nhiều giải pháp
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt trong bối cảnh toàn cầu, liên hệ với quốc tế chứ chúng ta không đứng một mình. Các tổ chức quốc tế như ngân hàng thế giới (WB), JICA của Nhật Bản và nhiều tổ chức khác từ các nước Đức, Đan Mạch… đều rất quan tâm và hỗ trợ chúng ta. Tuy là nguồn vốn cho vay, nhưng nguồn lực này là rất quan trọng.
Trước tình hình thực tế diễn ra như vậy, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu hay Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo kết luận của Thủ tướng trong cuộc họp vào đầu năm 2015, trong 5 năm tới cần rà soát, cập nhật lại các quy hoạch. Cụ thể, sẽ dành nguồn lực để trong 5 năm tới tập trung trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì trong thời gian qua, diện tích rừng ngập mặn đã bị giảm nghiêm trọng do phát triển kinh tế. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là cần phải phục hồi lại những cánh rừng này.
Ngoài ra, cần tiến hành xây dựng các “đê mềm” – là một diện tích đất phù sa nhất định để cây ngập mặn có thể phát triển và chắn sóng ở bên ngoài vào, cũng như xây dựng cống để ngăn mặn và giữ ngọt ở những nơi xung yếu. Tại những thành phố như TPHCM hay Cần Thơ cũng cần xây dựng các hệ thống chống ngập…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, biến đổi khí hậu không chỉ có thách thức mà còn là cơ hội để chúng ta chuyển đổi tăng trưởng. Ở những nơi có sự xâm nhập mặn, chúng ta có thể chuyển đổi thay vì sản xuất lương thực mà chủ yếu là lúa gạo, có thể chuyển sang những cây, con phù hợp với điều kiện ngập mặn này.
Theo chinhphu.vn, 05/04/2015