“Đầu vào” và “đầu ra”
Thực tế cho thấy có nhiều ngành liên tục thiếu lao động trong khi số lượng thí sinh đăng ký dự thi của chính những ngành này liên tục thấp, thường xuyên phải xét tuyển nguyện vọng 2, 3. Chẳng hạn mức “cầu” lao động ngành chế biến lâm sản, thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp, cơ khí nông lâm, cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm… rất lớn nhưng các thí sinh lại thờ ơ.
Là một trong những trường “tốp trên”, nhưng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vẫn có một số ngành khó tuyển sinh như: công nghệ vật liệu, vật liệu và cấu kiện xây dựng, thủy lợi – thủy điện, vật lý kỹ thuật, trắc địa, cơ kỹ thuật… điểm chuẩn của các ngành này chỉ dao động ở mức 17-18 điểm. “Tỉ lệ chọi” các ngành này chỉ ở mức 1/1,6, 1/1,8 hay 1/2,4… Trưởng phòng đào tạo một trường đại học đào tạo ngành y dược cho biết: “Thí sinh đăng ký những ngành học y tế công cộng, điều dưỡng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền… cũng khá vắng vẻ, ngược hẳn với đầu ra: phần lớn đều có việc làm rất tốt. Không ít sinh viên có việc làm ngay từ khi còn đang đi học, nhưng thí sinh dự thi hầu như chỉ thích học ngành bác sĩ”.
PGS.TS Trần Thị Thanh, trưởng khoa cơ khí công nghệ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết ngành cơ khí chế biến nông sản – thực phẩm là một trong những ngành đào tạo truyền thống của trường. Từ 1998 đến nay đã có trên 500 sinh viên ngành này tốt nghiệp, 100% có việc làm ngay sau khi ra trường, đáp ứng nhu cầu hết sức lớn cho thị trường lao động vốn đang rất lớn và sẽ còn rất lớn trong tương lai, vậy mà vẫn liên tục gặp khó khăn về đầu vào. Ngành phát triển nông thôn và khuyến nông của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM mặc dù được tài trợ học bổng, miễn giảm học phí, nhu cầu xã hội rất lớn, điểm chuẩn tính từ sàn nhưng thí sinh vẫn thờ ơ.
Những ngành học của tương lai?
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, đóng tàu, nông lâm thủy sản, bảo hiểm, cơ khí… là những ngành nghề còn “khát” nhân lực. Theo Viện Khoa học lao động và xã hội, trong tương lai những ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh như: dịch vụ bán lẻ, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, bảo hiểm, địa ốc… Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của VN như điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành… cũng sẽ tiếp tục phát triển. Ngược lại, những ngành đang sử dụng nhiều lao động như xuất khẩu có khả năng sẽ chững lại do khủng hoảng kinh tế, và một số yếu tố khác như phải tăng khả năng cạnh tranh về lao động rẻ, chi phí thấp.
Kinh nghiệm chọn ngành, chọn nghề cho thấy những ngành có phạm vi đào tạo rộng sẽ giúp người lao động dễ có việc làm, còn những ngành phạm vi đào tạo hẹp hoặc chuyên biệt đặc thù sẽ khó xin việc. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là một số ngành hiện có tiền lương cao thì sau năm năm nữa nhu cầu xã hội sẽ cân bằng, nhưng cũng có những ngành tiền lương rất cao sau năm năm nữa vẫn có thể còn thiếu nguồn nhân lực. Còn lại những ngành tiền lương vừa phải tức là nhu cầu lao động đã bão hòa và tỉ lệ thất nghiệp đang cao sẽ khó có việc làm.
Một số ngành về nông lâm ngư nghiệp hiện rất khó chiêu sinh, nhưng trong tương lai nhóm ngành này lại cần nguồn nhân lực rất lớn nên sẽ gia tăng cơ hội việc làm. Rất có thể 4-5 năm sau, nghĩa là sau khi tân sinh viên khóa 2009 ra trường, nhu cầu xã hội còn nhiều biến động, vì vậy thí sinh nên chọn những ngành đào tạo liên thông, phạm vi đào tạo rộng mang tính chất đa ngành, liên ngành sẽ có cơ hội việc làm cao hơn.
ThS Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)