Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau để cùng có lợi. Tham gia vào câu lạc bộ khuyến nông, bà con nông dân có nhiều điều kiện để trao đổi, học hỏi, tiếp cận những tiến bộ khoa học kĩ thuật mới, những kinh nghiệm, cách làm ăn hay trong sản xuất; được tham gia thực hiện mô hình sản xuất mới, tiến bộ với sự hỗ trợ của nhà nước về kĩ thuật, con giống, cây giống, thức ăn…
Hiện nay, Phú Yên có khoảng 29 Câu lạc bộ Khuyến nông đang hoạt động chủ yếu ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An… Trong đó, Tây Hòa là huyện có số lượng nhiều nhất, với 12 câu lạc bộ khuyến nông chủ yếu về trồng trọt và chăn nuôi. Sinh hoạt định kì 1 – 2 lần trong 1 tháng, hoặc theo mùa vụ. Mỗi câu lạc bộ có từ 30 đến 40 thành viên tham gia tùy theo nội dung, như câu lạc bộ trồng lúa, CLB sản xuất lúa giống, CLB trồng mía hay câu lạc bộ của những hộ chăn nuôi heo, bò…..Qua những buổi sinh hoạt, giao lưu định kì với những hoạt động thiết thực, bổ ích như xem phim, đọc sách báo kĩ thuật, trao đổi thông tin giá cả, thị trường hay chia sẻ, học hỏi nhau cách phòng và trị bệnh, các phương pháp sản xuất hiệu quả giữa các thành viên với nhau, có câu lạc bộ còn tổ chức thi giọng hát hay, nông dân thi đua sản xuất giỏi… làm cho nội dung sinh hoạt thêm phong phú và thu hút bà con tham gia. Có câu lạc bộ còn vận động nguồn tài trợ của hợp tác xã, chính quyền địa phương hay sự đóng góp của các thành viên trong câu lạc bộ để đầu tư trang bị tủ sách, ti vi, đầu đĩa… phục vụ cho bà con nông dân có thêm điều kiện nghiên cứu kĩ thuật, điển hình như CLB khuyến nông xã Hòa Mỹ Tây, CLB khuyến nông xã Hòa Phong của huyện Tây Hòa, CLB khuyến nông xã An Ninh Tây của huyện Tuy An… Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn như Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư, Chi cục Thú y, Chi cục BVTV… cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cho các câu lạc bộ những lớp tập huấn, hội thảo, tham quan để các thành viên được học tập cái mới, tiến bộ của khoa học kĩ thuật; được hỗ trợ, tư vấn hay giải đáp về cách phòng và trị bệnh, những kĩ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, thành viên câu lạc bộ còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn, phân bón… khi tham gia thực hiện mô hình. Hàng năm, ban chủ nhiệm CLB còn đề xuất với hợp tác xã, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các thành viên tham gia vay vốn với lãi suất ưu đãi, giúp bà con nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.Từ đó, bà con nông dân đến với câu lạc bộ nhiều hơn vì vừa được thư giãn, giao lưu vừa có thể chia sẻ, học hỏi, tìm hiểu thông tin kĩ thuật để phục vụ sản xuất.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng như các điểm trình diễn mô hình, tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật hay hỗ trợ cây, con giống đã tác động tích cực đến hoạt động của các CLB khuyến nông, giúp cho các thành viên CLB cách thức làm ăn, thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định. CLB Khuyến nông thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy của bà con nông dân trong công tác chuyển giao và ứng dụng KHKT. Những năm qua, nhờ các CLB khuyến nông, nhiều loại cây, con, giống mới, kỹ thuật mới đã được bà con xã viên áp dụng và nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên để được phát triển mạnh, bền vững và hiệu quả, các câu lạc bộ không nên hoạt động mang tính hình thức, ban chủ nhiệm CLB cần nắm bắt đúng nhu cầu của các thành viên, nội dung sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng. Không nên lồng ghép hoạt động của câu lạc bộ vào một số hoạt động khác của địa phương, cần có sự liên kết chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn kĩ thuật, kinh doanh….để tranh thủ sự hỗ trợ, quan tâm. Bên cạnh đó, một số nơi câu lạc bộ khuyến nông cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương.
Nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Việc hình thành, tồn tại và phát triển bền vững các câu lạc bộ khuyến nông là rất cần thiết. Có thể nói, Câu lạc bộ khuyến nông vừa là trường học, trường nghề vừa là cầu nối để bà con nông dân gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt, nhờ hoạt động của câu lạc bộ mà bà con nông dân có điều kiện tham gia học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phương thức làm ăn đạt hiệu quả, có như vậy kinh tế hộ gia đình mới ngày càng phát triển. Vì vậy, ban chủ nhiệm câu lạc bộ cần có được nội dung sinh hoạt cụ thể, thiết thực với bà con nông dân; cần tranh thủ và gắn kết với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có được những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của câu lạc bộ. Có như vậy, các câu lạc bộ khuyến nông mới phát huy vai trò trong việc thực hiện chương trình, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông nghiệp – nông dân – nông thôn mới hiện nay.