Vai trò của khuyến nông trong xây dựng nông thôn mới

Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với nhiều nội dung, bao gồm cả những chương trình mục tiêu quốc gia khác và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang thực hiện trên địa bàn nông thôn. Các nội dung của chương trình nhằm thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 về việc Sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Để thực hiện được các tiêu chí này, đòi hỏi phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và phát huy cao độ vai trò chủ thể của người dân, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền ở địa phương, nhất là cấp cơ sở. Vậy khuyến nông đóng vai trò như thế nào trong tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới?

Trong 19 tiêu chí (thuộc 5 nhóm tiêu chí) của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, có 4 tiêu chí liên quan trực tiếp đến vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông. Đó là các tiêu chí thuộc nhóm III về kinh tế và tổ chức sản xuất, bao gồm: Tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo, tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên (trước đây tiêu chí này là cơ cấu lao động) và tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất.

Để góp phần giúp cho các xã phấn đấu đạt được các tiêu chí này, công tác khuyến nông cần tập trung thực hiện một số nội dung như sau:

Một là, Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập (nhằm đạt yêu cầu tiêu chí số 10; 12):

Hướng dẫn các xã xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn. Tuyên truyền, vận động các địa phương tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao.

Tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, tập trung cho các vùng sản xuất hàng hóa trên cơ sở chuỗi sản phẩm ngành hàng: rau, hoa, cà phê, chè, lúa chất lượng cao, bò sữa, bò thịt… với hình thức tổ chức hình thành theo quy mô sản xuất tập trung, nông dân được tổ chức sản xuất theo nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động khuyến nông thông qua các hình thức: đào tạo bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn, hội thảo tham quan đầu bờ, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông; áp dụng phương pháp tập huấn lấy học viên làm trung tâm, phương pháp tập huấn kết hợp giữa lý thuyết với thực hành tại hiện trường theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi. Xây dựng và nhân nhanh các mô hình khuyến nông có hiệu quả; thiết lập, mở rộng mô hình “Khuyến nông viên gắn với vườn mẫu”, đưa vườn mẫu thành một công cụ trực quan cho việc tập huấn nông dân. Xã hội hoá công tác khuyến nông, tạo điều kiện và huy động các cấp các ngành, các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế (nhất là các doanh nghiệp) tham gia làm công tác khuyến nông.

Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi cho các sản phẩm hàng hóa sản xuất tập trung.

Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”; phát triển các làng nghề theo tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: làng nghề trồng hoa; làng nghề trồng nấm; làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa; khu trồng rau, hoa công nghệ cao…

Chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (sản xuất kinh doanh, thu mua, chế biến nông sản…) đầu tư trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn.

Hai là, giảm tỷ lệ hộ nghèo (nhằm đạt tiêu chí số 11):

Thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch khuyến nông tại các huyện nghèo, xã nghèo và thôn nghèo trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn và hàng năm. Triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án, mô hình khuyến nông tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc, lý thuyết gắn với thực hành, giúp cho nhân dân địa phương thay đổi nhận thức trong cung cách làm ăn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo một cách căn cơ, bền vững.

Ba là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn (nhằm đạt tiêu chí số 13).

Cùng với phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, phải đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hợp tác, liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các hình thức hợp tác sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, các nhóm nông dân cùng sở thích hoặc câu lạc bộ sản xuất; liên kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp… nhằm tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ nông sản, nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chủng loại nông sản theo từng thời gian cụ thể và đảm bảo chất lượng nông sản cho các nhà thu mua, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các loại hình kinh tế ở nông thôn. Củng cố tổ chức và hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có trên địa bàn. Hỗ trợ pháp lý, đề xuất hỗ trợ nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn nghiệp vụ, giúp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã có đủ năng lực tổ chức cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào cho sản xuất, giải quyết tiêu thụ sản phẩm đầu ra theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các hình thức kinh tế hợp tác nhằm thu hút vốn đầu tư và nguồn nhân lực kỹ thuật cao.

Trong xây dựng nông thôn mới, nếu khẳng định “Phát triển sản xuất là gốc” thì “Nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu” và “Lợi ích mang lại cho người dân là động lực”. Với những ý nghĩa đó, công tác khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho các địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa… nhằm giúp cho người dân nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính ổn định, bền vững, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
 
Nguyễn Minh Trường – TTKN Lâm Đồng